Các nước khu vực Bắc Âu có nhu cầu lớn với hàng hóa Việt Nam, tuy nhiên để xuất khẩu thành công vào thị trường này các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu, quy định cũng như tuân thủ hợp đồng.
Đại diện cơ quan thương mại, nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tại khu vực Bắc Âu chia sẻ kinh nghiệm thực tế và những lưu ý với các doanh nghiệp muốn thâm nhập, khai thác thị trường này.
Thực tế những mặt hàng nông sản Việt Nam như rau củ quả, hàng đông lạnh và tươi sống muốn tiếp cận thị trường Thụy Điển nói riêng, Bắc Âu nói chung, thứ nhất, phải hội đủ điều kiện mà chính quyền Thụy Điển và Âu Châu đặt ra.
Thứ hai hàng hóa Việt Nam muốn tiếp thị nhanh nhất vào thị trường Bắc Âu cần phải bảo đảm uy tín và tuân thủ đúng hợp đồng.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam muốn kết nối với thị trường này cần liên hệ Thương vụ Việt Nam hoặc Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển để có thể được giúp đỡ kết nối, xuất khẩu hàng hóa sang đây, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết các điều kiện, dễ tiếp thị thị trường hơn.
Quan trọng nhất là hàng nông sản phải đảm bảo chất lượng và sạch sẽ, không có sâu rầy, hóa chất vi phạm… mới có thể tiếp thị được thị trường; nếu không thực hiện những điều đó thì khó mà qua được kiểm soát vệ sinh của chính quyền tại đây.
Thông thường các sản phẩm gia công cơ khí của Việt Nam xuất sang Bắc Âu chủ yếu là các bộ phận bằng kim loại như ốc vít, đinh, vòng đệm, các đầu nối, khớp nối dùng cho công nghiệp xe đạp, đồ nội thất…
Đối với các sản phẩm bộ phận kim loại nói chung thường không có yêu cầu pháp lý cụ thể nào mà tùy thuộc vào từng loại mặt hàng. Tuy nhiên, có một vấn đề chính mà các doanh nghiệp bên này rất quan tâm đó là tiêu chuẩn quản lý chất lượng.
Tôi đã trao đổi với một số doanh nghiệp Đan Mạch và các doanh nghiệp tham gia một Hội chợ công nghiệp Bắc Âu tại Thụy Điển, họ đều hỏi câu đầu tiên đó là tiêu chuẩn quản lý chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng là gì. Thông thường các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận ISO nhưng một số doanh nghiệp Đan Mạch yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn DIN thì họ mới làm việc, nếu không họ sẽ không làm việc.
Ngoài ra còn có Quy định 85/374/EEC về trách nhiệm đối với sản phẩm bị lỗi nêu rõ nhà nhập khẩu Châu Âu phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm đưa vào thị trường Châu Âu. Tuy nhiên thường các nhà nhập khẩu Châu Âu sẽ yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn này ngay khi sản xuất ở Việt Nam. Một số quy định khác cũng theo các quy định chung của EU như Quy định 94/62/EEC về bao bì hoặc Quy định 2000/29/EC về vật liệu bằng gỗ dùng để vận chuyển, đóng gói.
Ngoài ra còn một yêu cầu bổ sung khác đó là về vấn đề môi trường. Hiện tại ngày càng nhiều người mua ở Bắc Âu quan tâm đến phương pháp sản xuất xanh, tránh quy trình gây ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng để thu hút người tiêu dùng EU. Họ cũng quan tâm đến các nhà máy ở Việt Nam khi sản xuất, gia công sản phẩm có đáp ứng được việc giảm thiểu lượng khí C02 phát thải ra môi trường hay không.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy có một khó khăn khác đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang Bắc Âu đó là vấn đề thời gian. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp Thụy Điển, họ cho biết thực ra giá cả cũng là một vấn đề họ quan tâm, nhưng vấn đề thời gian họ quan tâm hơn, bởi vì yêu cầu khách hàng của họ thường chỉ tầm một tuần đến hai tuần phải có hàng.
Tuy nhiên, đối với những hàng hóa của Việt Nam khi yêu cầu gia công ở Việt Nam và xuất sang bên này thường mất cả tháng hoặc hơn tháng, khách hàng của họ sẽ không chấp nhận. Do vậy, thông thường họ sẽ đặt hàng sản xuất từ Đức hay Thụy Sĩ để nhanh hơn và đáp ứng thời gian giao hàng.
Nguồn: Tapchicongthuong